Thiền sư Thích Nhất Hạnh được Irish Times gọi là ” Cha Đẻ của Sự Tỉnh Thức” (The Father of Mindfulness). Thời điểm Thiền sư viên tịch đầu năm nay cũng là lúc những độc giả nhìn lại những cuốn sách gửi lại đời của Người (với khoảng trên 100 cuốn), để tiếp tục học cách sống tỉnh thức và an lạc mỗi ngày. Theo cảm nhận cá nhân của người viết, dưới đây là 5 tựa sách của Thiền sư mà người viết yêu thích và nhận thấy có thể mở ra một khung trời mới đầy yêu thương, an lạc trong cuộc sống mỗi người nếu bạn có duyên tìm đến:
1/ ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG:
Được xem như là cuốn sách nhập môn khi tìm hiểu về Phật Giáo, Đường xưa mây trắng đưa chúng ta theo gót chân Bụt từ những hành trình đầu tiên cho đến thời khắc Giác Ngộ dưới cội bồ đề. Suốt quá trình đó, Thiền Sư cũng đã giải thích những khái niệm cơ bản nhưng cũng mơ hồ với không ít người mới dấn thân tìm hiểu về Phật Giáo: Chánh Niệm, Tứ Diệu Đế, Ngũ Uẩn, Bát Chánh Đạo…

2/ HƯƠNG THƠM QUÊ MẸ:
Tập thư pháp song ngữ Anh – Việt mang tên Hương thơm quê mẹ được xuất bản khoảng gần 1 năm trước khi Thiền sư rời cõi tạm. Công Ty Phanbook đã giới thiệu rất ngắn gọn nhưng đầy đủ về tập sách tuyệt vời này:
“Thầy viết thư pháp không chỉ để thưởng lãm mà luôn sáng tạo bằng tinh thần chánh niệm nên nó thật đặc biệt, không chỉ tạo nên những nét chữ đẹp về hình, mà còn chứa đựng năng lượng bình an, tỉnh thức và từ bi của thầy.
Những bức thư pháp trong tập sách này hướng người đọc/ thưởng lãm đến phương pháp thiền tập. Vì thế, xem thư pháp của thầy là một phương pháp để thiền định, một tiếng chuông chánh niệm kêu gọi ta tìm về nguồn cội để an trú thảnh thơi, vượt thoát những mối bận tâm, lao xao thường nhật”.

3/ GIẬN:
Hầu như ai đọc Giận rồi cũng phải thốt lên “giá như mình đọc cuốn này sớm hơn”. Bởi nếu biết đến cơn giận như đứa trẻ bên trong mình, cần được ôm ấp, lắng nghe, thấu hiểu và từ đó biết cách chuyển hóa cơn giận, chắc chắn cuộc sống của mỗi người sẽ an nhiên hơn, biết đồng cảm hơn và trên hết là biết lắng nghe, kết nối thân tâm của mình nhiều hơn.
Nhưng có lẽ độc giả cũng nên tin rằng, thời điểm nào họ biết đến Giận hay một cuốn sách có ý nghĩa với bản thân thì đó chính là thời điểm đúng, không sớm hay muộn đâu nhé.

4/ PHÉP LẠ CỦA SỰ TỈNH THỨC:
Sự tỉnh thức chính là kim chỉ nam trong tư tưởng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cho dù là viết về Giận, về Cách yêu thương, Cách ăn uống, Cách ngồi, Cách đi…thì người đọc cũng dễ dàng thấy tỉnh thức là sợi dây xuyên suốt, là khởi nguồn của những an nhiên và những khoảnh khắc sống trọn vẹn. Xin trích lại lời giới thiệu ở bìa sau của cuốn sách:
“Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức là những phương pháp nhiệm mầu thực tập thiền quán trong đời sống hàng ngày. Đọc nó, chúng ta cảm nhận được từng sát na hạnh phúc trong cuộc sống. Từ một bác sĩ, một người công nhân, một thợ may, một người thợ tiện, một bà nội trợ đến một kỹ sư Tất cả những công việc thường nhật đó bỗng trở nên phép lạ khi thắp lên ánh sáng chánh niệm.
Sách đã dịch ra gần 30 thứ tiếng trên thế giới, được mọi độc giả, mọi thành phần trong xã hội nhiệt liệt hoan nghênh. Có thể thấy rằng đây không chỉ là một cuốn sách mà là những chia sẻ kinh nghiệm nếp sống chánh niệm trong đời sống hàng ngày, là bài học căn bản thực tập thiền quán của Thiền sư Thích Nhất Hạnh”.

5/ THẢ MỘT BÈ LAU:
Truyện Kiều dưới góc nhìn của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh có thể mở ra một cách nhìn mới, rất khác lạ với phiên bản bạn đã từng đọc trước đây. Soi chiếu, nhìn nhận và suy ngẫm những khổ đau, gian truân, sóng gió trong cuộc đời của Thúy Kiều dưới cái nhìn thiền quán để có thể cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của chánh niệm, của giải thoát và của hành động “Thả một bè lau” mà Sư Cô Giác Duyên đã làm để tìm về với nẻo bình yên, với “mây trắng thong dong” của cuộc đời mình. Đọc xong Truyện Kiều theo cách ấy, độc giả cũng như đã trải qua một khóa tu thiền vậy.

Ghi chú: Tham khảo và tổng hợp từ nhiều nguồn.