Một cuốn sách chứa đầy những suy nghĩ triết lý, những hành động nổi loạn, ngổ ngáo cũng như cả những nhận thức còn sai lầm (về pê đê chẳng hạn) của một nhân vật có lẽ là có một không hai trong tiểu thuyết xưa nay: Holden Caulfield, chàng trai ở độ tuổi 16-17, vừa bị tống cổ ra khỏi trường vì kết quả học tập bết bát.
(Bìa sách của Công Ty Nhã Nam)
Mở đầu có thể khiến độc giả hơi khó bắt nhịp một chút, nhưng khi bạn đã quen với cách kể độc thoại và các từ ưa thích cửa miệng mà cậu chàng lặp lại không biết bao nhiêu lần như: thổ tả, bộ tịch, phải gió, bỏ mẹ, tôi đến chết được, buồn nôn… thì bạn cũng thấy rõ Holden là chàng trai thông minh, có những nét đáng yêu, sự tử tế, nhạy cảm và tình cảm ẩn bên dưới lớp vỏ cư xử xù xì, ngôn từ bất cần của tuổi dậy thì. Tuy không thích học vì hàng tá lý do, nhưng Holden thích đọc sách, vài tác phẩm và tác giả kinh điển đã được nhắc tới: F. Scott Fitzgerald (Đại gia Gatsby), Thomas Hardy (Trở lại cố hương) … và cả sách của người anh trai D.B Caulfield. Anh chàng nói về sách khá say sưa và thích thú, có lẽ sách đã nuôi dưỡng một phần bên trong con người Holden chăng?!
Xen kẽ với những sự vụ đủ kiểu xảy ra suốt mấy ngày của hành trình lang bạc sau khi bị đuổi học, kể cả kêu gái lên phòng khách sạn để rồi bị gái cười cợt và trỏ vào mặt gọi mình là “con nít đít xanh” quá sức tiếu lâm thì những tình cảm ấm áp khi Holden nhắc đến em Allie và Phoebe, cũng như sự trân quý đối với những thứ tưởng như nhỏ nhặt như đôi găng tay của em Allie (người em Holden yêu thương vô cùng nhưng đã qua đời), bỗng khiến người đọc xôn xao lạ lùng. Đơn cử như đoạn đối thoại sau giữa Holden và em gái Phoebe.
“Anh biết Allie đã chết! Em tưởng anh không biết sao? Nhưng anh vẫn thích Allie được chứ, phải không? Không phải vì một người nào đã chết mà em hết thích họ được, giời ạ – nhất là nếu những người ấy còn tốt hơn gấp một triệu lần những người còn sống mà anh biết.”
Tác giả J.D Salinger, thông qua Holden Caulfield, đã vẽ ra một xã hội nhiều điều chướng mắt, hình thức, xấu xa… theo một giọng kể giễu cợt pha chút ranh mãnh và không ít chỗ chêm vào ngôn ngữ thậm xưng hòa cùng đôi chút trào phúng, tất cả hòa quyện theo những suy tư triết lý kiểu Holden. Nhưng xã hội đâu chỉ có những gì xấu xa… những điều gì đó ngọt ngào khẽ chạm vào bạn khi Caulfield mở lòng trước câu hỏi của em Phoebe về điều cậu thực sự muốn làm, sau khi đổi đủ trường vẫn cảm thấy mình không thích đi học tiếp. Khung cảnh được vẽ lên trong trang sách và trong hình dung của độc giả quá nên thơ, dịu dàng, tưởng như không nỡ lòng nào vùi đi niềm mơ ước bé nhỏ, trong veo đó của Caulfield:
“Thế đấy, anh cứ tưởng tượng một bầy trẻ con chơi một trò chơi gì đó trong một đồng lúa mạch thật to. Hàng nghìn đứa trẻ con, và không có ai ở đấy – không có ai là người lớn, anh muốn nói vậy – trừ anh. Điều anh phải làm là, anh phải bắt tất cả những đứa trẻ nào chạy tới gần mỏm đá. Nghĩa là nếu chúng đang chạy mà không coi chừng chúng ở đâu, thì anh sẽ nấp ở một nơi nào đó rồi ra bắt lấy chúng. Anh sẽ làm như thế suốt ngày. Anh sẽ làm người bắt trẻ đồng xanh các thứ. Anh biết thật là điên khùng, nhưng đấy là điều độc nhất anh muốn làm. Anh biết vậy là thật điên khùng.”
Có lẽ không sai khi nhận định rằng chính những tình cảm yêu thương là những sợi dây kết nối mà Phoebe giăng ra đã giữ Holden lại, trước ngưỡng cửa của rồ dại tuổi trẻ, chính cuộc trò chuyện cởi mở và nhẹ nhàng nhưng đầy khơi gợi và sự thức tỉnh bản thân với em Phoebe đã góp phần định hướng lại lối đi của con ngựa khó kham Holden, để chàng ta tiếp tục rong ruổi trên đồng xanh tìm bắt những ước mơ non trẻ.
* Một vài thông tin về tác phẩm:
– Với một số ngôn từ bị cho là tục tĩu và mô tả tâm lý nổi loạn của chàng trai vị thành niên, tác phẩm đã gây ra nhiều tranh cãi khi xuất bản lần đầu.
– Trong lần xuất bản đầu tiên, Bắt trẻ đồng xanh chủ yếu dành cho độc giả là người lớn nhưng sau đó cuốn tiểu thuyết đã được đưa vào chương trình giảng dạy bậc trung học của nhiều nước nói tiếng Anh và cũng được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ chính trên thế giới.
– Mỗi năm có trung bình khoảng 250.000 bản sách của tác phẩm được bán ra, tính tổng cộng đến nay là khoảng 65 triệu ấn bản.
-Tác phẩm này đã được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến nay và cũng nằm trong danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ của Le Monde.